HỘI THẢO “TUÂN THỦ QUY ĐỊNH VỀ BỀN VỮNG TRONG TIÊU DÙNG VÀ XUẤT KHẨU ĐỐI VỚI THỰC PHẨM VÀ BAO BÌ THỰC PHẨM” NGÀY 10/04/2025 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Ngày 10/04/2025, tại khách sạn Kim Đô, Quận 1 TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã phối hợp cùng các đơn vị là IP Group, Eurofins và Central Retail Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tuân thủ quy định về bền vững trong tiêu dùng và xuất khẩu đối với thực phẩm và bao bì thực phẩm”.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các yêu cầu về phát triển bền vững và quy định môi trường ngày càng được siết chặt tại các thị trường xuất khẩu lớn như Châu Âu, Mỹ. Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu thực phẩm và bao bì thực phẩm cùng các chuyên gia trong ngành.
Buổi hội thảo "Tuân thủ quy định về bền vững trong tiêu dùng và xuất khẩu đối với thực phẩm và bao bì thực phẩm" tổ chức tại Quận 1, TP. HCM thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bao bì
Phát biểu khai mạc, đại diện ITPC, bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nắm bắt kịp thời các quy định quốc tế liên quan đến môi trường, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và bao bì tái chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Người tiêu dùng hiện nay ngày càng quan tâm đến các sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, dễ phân hủy và có nguồn gốc bền vững. Họ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm không chỉ an toàn cho sức khỏe mà còn mang lại giá trị thiết thực trong cuộc sống. Xu hướng này tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà bán lẻ và nhà phân phối tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm xanh, bao bì sinh thái và nhãn mác thân thiện với môi trường, từ đó góp phần đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và chung tay bảo vệ hành tinh, hướng đến phát triển bền vững.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phát biểu khai mạc hội thảo và chia sẻ xu hướng tiêu dùng bền vững hiện nay
Ông Ngô Đắc Thuần – Chủ tịch HĐQT Công ty IP GROUP đã trình bày về bức tranh toàn cảnh về xu hướng công nghệ bao bì sinh học toàn cầu thông qua phân tích hoạt động sáng chế. Theo ông Thuần, công nghệ sản xuất bao bì sinh học đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững và giải quyết thách thức toàn cầu như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển công nghệ này nhờ vào nguồn nguyên liệu phong phú và chi phí sản xuất cạnh trạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và hạn chế trong nghiên cứu phát triển (R&D). Định hướng phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam bao gồm:
- Tăng cường nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ sản xuất bao bì sinh học
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ
- Đầu tư vào hạ tầng và đào tạo nhân lực
Chủ tịch HĐQT Công ty IP GROUP - ông Nguyễn Đắc Thuần trình bày về bức tranh tổng quản công nghệ sản xuất bao bì sinh học tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới
Trong lĩnh vực kiểm nghiệm, ông Alan Nguyễn - đại diện Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng đã chia sẻ về các quy định và yêu cầu tuân thủ đối với vật liệu tiếp xúc thực phẩm (FCM) tại các thị trường trọng điểm như Châu Âu (EU) và Mỹ. Khung pháp lý của EU điển hình có thể nhắc đến Quy định khung EC 1935/2004 áp dụng cho 17 nhóm vật liệu chính (bao gồm nhựa, giấy và bìa cứng, kim loại, gốm sứ, thủy tinh, gỗ, silicone,...); Quy định khung EU 10/2011 dành riêng cho ngành nhựa thực phẩm; và các quy định đối với từng nguyên vật liệu và quy định riêng của từng quốc gia.
Chuyên gia đến từ Eurofins Sắc Ký Hải Đăng phân tích rõ nét về các quy định về nguyên vật liệu sản xuất bao bì tại thị trường lớn là Châu Âu (EU) và Mỹ
Tại Mỹ, FCM được quản lý theo Bộ luật Quy định Liên bang (CFR) Tiêu mục 21, các phần 174-186, với các quy định cụ thể cho từng loại vật liệu điển hình như polyme (21CFR 177), giấy (21CFR 176), chất kết dính (21CFR 175) và các chất được công nhận là an toàn (GRAS). Chuyên gia Alan Nguyễn cho biết, cả hai khu vực đều áp dụng quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt đối với vật liệu tiếp xúc với thực phẩm (FCM), bao gồm thử nghiệm mức độ thôi nhiễm toàn phần (Overall Migration - OM) và thôi nhiễm cụ thể (Specific Migration - SM). Các giới hạn về thôi nhiễm được quy định khác nhau tùy theo loại vật liệu và yêu cầu của từng thị trường. Do đó, việc hiểu rõ và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp này là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể tiếp cận và mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu khó tính.
Một số loại hình vật liệu tiếp xúc thực phẩm (FCM) được trình bày tại hội thảo
Với góc nhìn từ nhà bán lẻ, ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam trình bày về các quy định liên quan đến bao bì, đặc biệt là bao bì xanh – xu hướng đang được nhiều thị trường quốc tế ưu tiên. Theo đó, việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia đã áp dụng thành công mô hình bao bì xanh, cũng như phân tích xu hướng tiêu dùng hiện đại – nơi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có yếu tố xanh, sạch và bền vững.
Ông Paul Lê chia sẻ về vai trò của bao bì, đặc biệt là bao bì xanh và xu hướng đang được nhiều thị trường quốc tế ưu tiên
Bên cạnh phần trình bày, hội thảo còn dành thời gian thảo luận trực tiếp, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy trình kiểm định, chứng nhận và định hướng cải tiến bao bì theo tiêu chí bền vững. Thông qua sự kiện, các bên kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn trong hành trình chuyển đổi xanh, đồng thời gia tăng cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính và bền vững hơn trong tương lai.
* Liên hệ Tổ chức chứng nhận ISO Korea Management Registrar (KMR) để được tư vấn hỗ trợ về dịch vụ Chứng nhận ISO/ Đào tạo ISO
KMR VIET NAM CO. LTD
HCM: - Hotline: 028 3535 4350 or 0983 890 712
- Zalo: 0983 890 712
- Email: kmarvn@kmr.com.vn
HN: - Hotline-Zalo: 0907 956 712
- Email: saleshn@kmr.com.vn
Xem thêm