XÂY DỰNG LỘ TRÌNH BỀN VỮNG CHO BÁO CÁO ESG
Nhận thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và tính bền vững đã nâng cao nhanh chóng trong một thập kỷ qua, đưa những thuật ngữ như trách nhiệm doanh nghiệp, dấu chân carbon và sự minh bạch trở thành những từ khóa mới của thời đại. Báo cáo ESG cũng dần trở thành mối quan tâm hàng đầu trên thế giới không chỉ bởi các doanh nghiệp mà còn bởi người tiêu dùng.
Xu hướng hướng tới một tương lai bền vững đã thúc đẩy sự chú ý đến các yếu tố ESG - viết tắt của Environmental, Social, và Governance (môi trường, xã hội và quản trị) - tại các cuộc họp Hội đồng quản trị trên toàn cầu, biến chúng thành những mối quan tâm hàng đầu trong thế giới kinh doanh hiện đại.
Tiết kiệm chi phí, tăng thị phần và đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan là một số động lực chính thúc đẩy xu hướng bền vững. Đồng thời, các cấp chính phủ ở địa phương và quốc gia đang tăng cường các quy định về môi trường, tài chính và quản trị doanh nghiệp, yêu cầu các công ty phải công khai lượng dữ liệu lớn qua báo cáo ESG.
Điều này đồng nghĩa với việc các công ty cần dữ liệu ESG minh bạch có thể kiểm tra được. Báo cáo dữ liệu ESG là một trong những thách thức chính mà các doanh nghiệp các ngành đều gặp phải, song có thể giải quyết dễ dàng bằng cách tuân thủ các Tiêu chuẩn Quốc tế và thực hành tốt. Bài viết này sẽ đi sâu vào các khía cạnh chi tiết của báo cáo ESG và cách các tiêu chuẩn ISO hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp ESG vào chiến lược công ty.
Tầm quan trọng của báo cáo ESG đối với doanh nghiệp và biến đổi khí hậu
Báo cáo ESG là gì?
ESG là một bộ chỉ số phi tài chính góp phần trực tiếp vào hồ sơ quản lý rủi ro, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của một tổ chức. Cụ thể hơn, báo cáo ESG là một dạng công khai thông tin của doanh nghiệp một cách chi tiết các cam kết, nỗ lực và tiến triển về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) của một tổ chức. Mục tiêu của nó là cải thiện tính minh bạch với các nhà đầu tư về các hoạt động ESG của công ty, bao gồm biến đổi khí hậu, nhân quyền và chính sách lương thưởng cho lãnh đạo.
Tại sao báo cáo ESG quan trọng?
Việc kinh doanh có trách nhiệm, có ý thức về khí hậu và hướng tới "net zero" (không phát thải ròng) gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, chi phí và thị phần. Nó cũng có thể củng cố uy tín của công ty và xây dựng mối quan hệ lâu dài, đáng tin cậy với các bên liên quan. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải áp dụng quản trị chặt chẽ, quy trình vận hành minh bạch và tuân thủ các quy định của luật pháp trong và ngoài nước.
Các yếu tố khiến báo cáo ESG trở thành trụ cột của công ty trong các nền công nghiệp và phạm vi pháp lý khác nhau:
Minh bạch: Với mối quan tâm ngày càng tăng về sự bền vững và biến đổi khí hậu, các công ty cần minh bạch hơn về hoạt động của mình. Báo cáo ESG giúp công ty công khai các nỗ lực và tiến trình ESG của mình.
Quản lý rủi ro: Các vấn đề liên quan đến ESG có thể gây rủi ro cho công ty, dẫn đến gián đoạn và tổn thất tài chính. Báo cáo ESG cho phép công ty lường trước những vấn đề này bằng cách công bố hoạt động và xác định các rủi ro tiềm ẩn.
Nhu cầu của nhà đầu tư: Các nhà đầu tư dựa vào nhiều loại chỉ số để đánh giá hiệu suất và tiềm năng phát triển của công ty. Những thực hành ESG mạnh mẽ và báo cáo minh bạch có thể thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, giúp gia tăng nguồn vốn.
Danh tiếng thương hiệu: Người tiêu dùng ưu tiên giao dịch với các công ty có cùng niềm tin về giá trị bền vững giống họ. Họ có xu hướng trung thành hơn với các công ty báo cáo đầy đủ các hoạt động và tiến trình ESG.
Tuân thủ pháp lý: Báo cáo ESG là một cách giúp các công ty công bố hợp pháp và tuân thủ quy định. Với các quy định ngày càng phát triển, các công ty có báo cáo ESG mạnh mẽ sẽ có thể sẵn sàng đối phó với các thay đổi mới mà không gặp rủi ro pháp lý.
Hiệu quả hoạt động: Báo cáo ESG thường đòi hỏi một quy trình xem xét kỹ lưỡng, thúc đẩy công ty nâng cao hiệu suất và xác định các khu vực cần cải thiện.
Theo dõi mục tiêu: Báo cáo ESG là cách để các công ty chịu trách nhiệm về hiệu suất ESG mà họ đã cam kết, theo dõi tiến trình của các mục tiêu dài hạn.
Các công ty có cần nhất thiết thực hiện báo cáo ESG ?
Báo cáo của Viện Quản trị và Trách nhiệm Giải trình vào tháng 11 năm 2022 cho thấy 96% công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo ESG. Điều này có ý nghĩa gì? Liệu báo cáo ESG có bắt buộc không? Tùy thuộc vào nơi trụ sở của công ty đặt tại quốc gia nào hoặc theo quy định tại từng khu vực, có thể có các quy định bắt buộc về báo cáo ESG. Ngoài ra, ngày càng nhiều quy định yêu cầu các công ty trong những ngành cụ thể phải báo cáo về hoạt động và tác động ESG của họ.
Điều này đã nâng cao tiêu chuẩn cho báo cáo ESG với sự xuất hiện của các yêu cầu mới vào năm 2023. Chẳng hạn, trong Liên minh châu Âu, Quy định Công bố Tài chính Bền vững đã có hiệu lực vào tháng 3 năm 2021, đưa ra các yêu cầu về báo cáo ESG với trọng tâm vào các sáng kiến liên quan đến tính bền vững. Quy định này được bổ sung bởi Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2023.
Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã ban hành các quy tắc cuối cùng về khí hậu với tiêu đề “Tăng cường và Chuẩn hóa Công bố Liên quan đến Khí hậu cho Nhà đầu tư,” yêu cầu các công ty công khai nhất định phải công bố thông tin về rủi ro khí hậu và phát thải khí nhà kính của họ.
Như vậy, mặc dù báo cáo ESG hiện chưa bắt buộc ở mọi nơi, nhưng có một xu hướng gia tăng về quy định.
Báo cáo ESG nên bao gồm những gì?
Báo cáo ESG đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng quyết định đầu tư và kinh doanh. Dựa trên những thông tin công bố này, các bên liên quan có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp với giá trị và mục tiêu dài hạn của mình.
Các báo cáo này bao gồm thông tin định tính và định lượng liên quan đến các lĩnh vực sau:
🔸Khía cạnh môi trường bao gồm mọi yếu tố góp phần vào phát thải carbon và biến đổi khí hậu, như quản lý năng lượng, nước và chất thải; thông gió và chất lượng không khí; nguồn cung cấp vật liệu và quản lý chuỗi cung ứng.
🔸Khía cạnh xã hội đề cập đến mối quan hệ và uy tín mà công ty có với các bên liên quan của mình, như sự tham gia của nhân viên, đa dạng và hòa nhập, sức khỏe và an toàn, nhân quyền, và thực hành lao động.
🔸Khía cạnh quản trị là hệ thống các quy trình, kiểm soát và thủ tục nội bộ mà công ty sử dụng để quản lý, như khả năng phục hồi mô hình kinh doanh, quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật và quy định, thẩm định và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan bên ngoài.
Về các nguyên tắc thực hiện ESG của ISO (Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế)
ISO có thể hỗ trợ tăng cường ngay cả những chiến lược ESG tham vọng nhất. Thông qua danh mục tiêu chuẩn phong phú của mình, ISO hỗ trợ các doanh nghiệp mong muốn đi trước sự thay đổi của luật pháp, quy định và xã hội.
ISO đang phát triển Thỏa thuận Hội thảo Quốc tế (IWA) nhằm tích hợp ESG vào văn hóa tổ chức. Cấu trúc quốc tế cao cấp này sẽ giúp quản lý hiệu suất ESG, cũng như đo lường và báo cáo trong các khung công bố hiện có, đảm bảo tính nhất quán, khả năng so sánh và độ tin cậy của báo cáo và thực hành ESG trên toàn cầu.
Các hướng dẫn ESG của ISO được thiết kế để bổ trợ và có thể kết nối với các khung báo cáo tự nguyện và quy định hiện có, nhằm tạo điều kiện hài hòa và nhất quán toàn cầu về các nguyên tắc và phương pháp ESG. Nó sẽ cung cấp hướng dẫn cho các bên tham gia vào hệ sinh thái ESG để hỗ trợ sự tương thích với các khung ESG khác, bao gồm cả luật pháp trong và ngoài nước. Các nguyên tắc thực hiện ESG của ISO có thể được các tổ chức lớn nhỏ sử dụng trên mọi ngành và quốc gia.
Các khung chuẩn của ISO giúp doanh nghiệp xây dựng báo cáo ESG hiệu quả
Báo cáo ESG thúc đẩy thành công bền vững như thế nào ?
Các công ty cần có sự hợp tác nhiều hơn trong nỗ lực giảm dấu chân carbon, đạt mục tiêu net zero và trở nên bền vững hoàn toàn. Sự hợp tác này không thể đạt được chỉ qua chiến lược mà với báo cáo ESG đang nổi lên nhanh chóng như một khía cạnh cốt lõi của trách nhiệm doanh nghiệp.
Các chính sách mạnh mẽ đòi hỏi quy trình bền vững, hệ thống quản lý rủi ro chắc chắn và sự phối hợp, tinh giản trong hoạt động – tất cả đều có thể đạt được dễ dàng thông qua việc áp dụng các khung ESG và tiêu chuẩn ISO.
Với ISO trong câu chuyện ESG, các lãnh đạo doanh nghiệp có thể lên kế hoạch tốt hơn cho hành trình hướng đến một tương lai bền vững và cạnh tranh hơn. Và khi xây dựng tương lai đó, danh mục tiêu chuẩn phong phú của ISO sẽ giúp họ nhận diện rõ ràng các rủi ro tiềm ẩn, hành động khắc phục và những cơ hội có thể có.
Nguồn: iso.org
* Liên hệ Tổ chức chứng nhận ISO Korea Management Registrar (KMR) để được tư vấn hỗ trợ về dịch vụ Chứng nhận ISO/ Đào tạo ISO
KMR VIET NAM CO. LTD
HCM: - Hotline: 028 3535 4350 or 0983 890 712
- Zalo: 0983 890 712
- Email: kmarvn@kmr.com.vn
HN: - Hotline-Zalo: 0907 956 712
- Email: saleshn@kmr.com.vn
Xem thêm